ПАСХА – LỄ PHỤC SINH
Lễ phục sinh là một trong những ngày lễ lớn nhất của đạo chính thống Nga. Đối với người theo đạo này, Lễ Phục sinh dành cho chúa Giesu. Bên cạnh những ý nghĩa như Chúa cứu thế phục sinh, chào đón mùa xuân đến, ngày lễ còn thể hiện một phần tội lỗi của con người đã chấm dứt. Tất cả tội lỗi con người gây ra trong suốt một năm, đã được chuộc lại bằng những lời cầu nguyện và kiêng nhịn trong tuần Đại Chay, được xoá bỏ bởi sự ăn năn, sám hối khi xưng tội. Con người được thanh lọc tâm hồn tham gia lễ phục sinh với niềm tin vào tương lai. Tuần lễ trước ngày Phục sinh được gọi là Tuần Thánh (Страстная/Великая неделя). Đặc biệt là vào những ngày cuối cùng của tuần: thứ 5 vĩ đại (великий четверг) – ngày thanh lọc tâm hồn, tiếp nhận thánh lễ. Vào ngày này người Nga có tục tắm dưới sông hồ, lỗ đục trong mặt băng trước lúc bình minh. Thứ 6 khổ nạn (страстная пятница) – ngày tưởng nhớ những khổ nạn của chúa Giesus. Thứ 7 vĩ đại – ngày buồn thương và cuối cùng chủ nhật – Chúa phục sinh. Các nghi lễ được tiến hành vào ban đêm. Tiếng chuông nhà thờ đạo chính thống khắp các vùng vang lên, nghi lễ chính thức được bắt đầu. Mọi con chiên đều mặc những bộ quần áo trang trọng nhất, thắp nến và chờ các vị linh mục trong những bộ áo lễ màu trắng, đeo thánh giá, cầm theo tượng thánh và cờ hiệu ra khỏi nhà thờ. Họ đi vòng quanh nhà thờ 3 lần theo nghi thức. Đến nửa đêm, vị tu sĩ hát vang: “Chúa đã quay trở về từ cõi chết, Người chiến thắng cái chết bằng chính cái chết và ban tặng sự sống cho những người đã chết” («христос воскресе из мертвых, смертию смерть поправ и сущим во гробех живот даровав»). Và tất cả mọi người bước vào bên trong nhà thờ và vui mừng đáp lại: “chúa phục sinh thực rồi”. Cần nói thêm rằng, vào những ngày này những con chiên khi gặp nhau họ thường nói: “Христос воскресе” (chúa đã hồi sinh) và đáp lại bằng “воистину воскресе” (chúa phục sinh thực rồi) – như 1 lời chào – lời chúc mừng và có kèm theo những cái ôm hôn.
Lễ cầu nguyện buổi sáng Thánh được bắt đầu. Đội thánh ca hát không nghỉ. Cả nhà thờ tràn ngập ánh nến và mùi thơm. Trong đêm phục sinh Sách Phúc âm được đọc bằng các thứ tiếng khác nhau. Điều đó thể hiện, rằng thuyết giáo về Chúa cứu thế được lan truyền khắp thế gian.
Còn trong các gia đình cũng chuẩn bị nhiều món ăn ngon truyền thống: paskha, bánh mì culich và các món trứng phục sinh được trang trí khác. Theo truyền thống, trứng phục sinh được trang trí màu sắc rực rỡ và đặt vào trong những chiếc giỏ nhỏ có lót lá kiều mạch, đại mạch. Ngoài ra còn có nhiều món tráng miệng, trong số chúng đôi khi còn có món thịt heo con. Trong dịp lễ Phục sinh tại nhiều cửa hàng có bán bánh culich, nhưng nhiều người vẫn tự nướng và mang chúng tới nhà thờ. Theo nghi lễ, bánh culich khi chia ra làm các phần không được cắt dọc bánh, mà phải cắt ngang, để giữ lớp phủ phía trên.
Sau ngày lễ chính, lễ hội còn kéo dài thêm 1 tuần, được gọi là Tuần Tươi Sáng (Светлая неделя/Седьмица). Những chiếc bàn lúc nào cũng phủ đầy thức ăn và chủ nhà mời khách tới nhà, hoặc làm từ thiện, phân phát quà cho những người không thể hoặc không có điều kiện: người nghèo, ốm đau, trẻ mồ côi, khuyết tật. Ở các làng quê từng có phong tục thổi sáo khi trời chạng vạng tối. Những người thổi sáo đi quanh các làng, chơi sáo bên cửa sổ của các gia đình để tưởng nhớ chúa hồi sinh và được chủ nhà tiếp đãi chén chung và tặng trứng phục sinh, đôi khi cả tiền.
Ngay từ thời thờ đa thần, trứng đã là biểu tượng của lễ phục sinh, được coi là sức mạnh sáng tạo của thiên nhiên. Một trong những điều kỳ diệu của nghệ thuật kim hoàn chính là trứng phục sinh, được làm bởi những nghệ nhân Faberje của Nga để phục vụ nghi lễ trong điện. Bộ sưu tập trứng phục sinh được thực hiện. Chúng nổi bật bởi sự độc đáo hiếm có, vẻ đẹp trang nhã nhưng quyền quý. Mỗi một vị vua đều nắm giữ một quả trứng phục sinh khác nhau, mà trong mỗi quả trứng đêù có chứa 1 bí mật. Để tạo ra 1 quả trứng như vậy, đòi hỏi gần 1 năm lao động miệt mài, căng thẳng.
Trứng phục sinh – tác phẩm nghệ thuật
Sau thời của Benvenuto Cellini (nhà điêu khắc kiêm thợ kim hoàn, nhạc công đại tài người Italia, 1500-1571) không có một ai có thể sánh bằng Carl Faberge cả về trí tưởng tượng phong phú lẫn trình độ chế tác. Sau triển lãm quốc tế tại Paris năm 1900, tài năng của Carl Faberge đã được cả thế giới biết đến và công nhận. Công ty của Faberge có các chi nhánh ở Petersburg, Kiev, Odessa và London. Dưới sự lãnh đạo và trực tiếp tham gia của Faberge vô số tượng thánh, đồng hồ cũng như khay đựng các loại đã ra đời. Tuy nhiên những tác phẩm trứng phục sinh mới được coi là đỉnh cao sáng tạo của ông.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1883, khi Carl Faberge diện kiến Nga hoàng Alexander III và nói rằng ông muốn dâng lên một món quà bất ngờ cho nữ hoàng nhân dịp lễ Giáng sinh. Và như vậy quả trứng phục sinh đầu tiên ra đời và được dâng lên nữ hoàng. Khi người ta mốn ra, bên trong là một con gà bằng vàng sáng lấp lánh. Bên trong con gà lại là một con gà khác nhỏ hơn cũng bằng vàng. Bên trong con gà nhỏ này là một chiếc vương miện. Trong vương miện là một viên hồng ngọc nhỏ hình quả trứng. Nga hoàng hết sức ngạc nhiên và thích thú. Sau đó hàng năm vào dịp Giáng sinh hoàng gia lại tiếp tục yêu cầu Faberger tạo ra những quả trứng như vậy.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Faberger là quả trứng phục sinh dâng lên Alexandra Fedorovna – vợ của Nga hoàng Nikolai II. Bên trong đó là bản sao của cỗ xe ngựa được Nga hoàng và hoàng hậu dùng trong lễ đăng quang. Thân xe được làm bằng vàng, cửa sổ từ thạc anh và bánh xe bằng bạch kim. Tác phẩm đắt giá này hiện nay đang nằm trong một bộ sưu tập cá nhân ở London.
Faberge đã tạo ra tất cả 57 quả trứng phục sinh như vậy. Sau cách mạng tháng 10 năm 1917, công ty của ông đã bị sung công. Rất nhiều trong số các tuyệt tác của ông đã lưu lạc ra nước ngoài. Những quả trứng phục sinh trong bộ sưu tập của bảo tàng Kremli được coi là đẹp nhất trong số đó.